Đang tải...
 

Rượu vang và phụ nữ

Rượu vang tốt cho sức khoẻ như giữ trái tim khoẻ mạnh, ngăn ngừa sự tàn phá của tuổi già... chỉ có giá trị nếu như người uống biết hạn chế số lượng, cụ thể là từ 1 – 2 ly trong bữa ăn chính.

Tại một buổi tối thử vang cuối tháng 7 vừa qua, các ông “già chuyện” bỗng dưng chuyển sang đề tài nữ giới trong lĩnh vực này. Khi có người cho rằng nhân viên nữ bán rượu vang phải ở độ tuổi 30 mới thuyết phục được người mua về độ tin cậy của tư vấn, ông Jean-Bernard Baudron – quản lý cửa hàng The Warehouse liền kể câu chuyện một phụ nữ Armenia vượt biên sang Anh vào thời kỳ Liên Xô tan rã. Lúc được nhận vào làm việc tại cửa hàng chuyên doanh rượu vang Nicolas, cô chẳng biết tí gì về rượu vang. Vậy mà chỉ một năm sau, cô đã là người giỏi nhất trong hệ thống, thậm chí còn mở một wine bar (bar chuyên bán rượu vang) cho riêng mình ở London. “Đó là nhờ cô ta làm việc rất cật lực để bắt kịp các đồng nghiệp nam. Ngoài ra, cũng đừng quên rằng thiên chức làm bếp của người phụ nữ giúp họ có sự cảm nhận rượu vang rất tự nhiên”, ông Jean-Bernard giải thích.

Vang chỉ tốt nhờ sự chừng mực

Nói đến rượu, người ta thường nghĩ đến tửu lượng. Với rượu vang, người ta không mời nhau để thách thức khả năng này. Kết luận của các nhà khoa học phương Tây về những đặc tính có lợi của rượu vang liên quan đến sức khoẻ (chủ yếu là nhờ các polyphenol) như giữ cho trái tim khoẻ mạnh, ngăn ngừa sự tàn phá của tuổi già... chỉ có giá trị nếu như người uống biết hạn chế số lượng, cụ thể là từ 1 – 2 ly trong bữa ăn chính. Rõ ràng về mặt này, phụ nữ tuân thủ chuẩn mực trên tốt hơn các ông vốn quen “nam vô tửu như kỳ vô phong”.

Các cửa hàng rượu vang ở TP.HCM cho biết họ có lượng khách hàng nữ không nhiều nhưng đều đặn, trong đó tỷ lệ người nước ngoài cao hơn.

Tại những buổi giới thiệu rượu vang do các phòng thương vụ nước ngoài hoặc công ty tổ chức, có không ít phụ nữ tham gia. Có người đến vì công việc liên quan, nhưng cũng có người tham gia vì có quá trình làm quen với rượu vang và nhu cầu thực tế. Cô M. vốn là một người mẫu có tiếng. Việc cô tham gia một khoá học nếm vang cơ bản do anh Jim Cawood ở cửa hàng Vino tổ chức đầu năm 2007 không làm tôi ngạc nhiên khi biết rằng cô đã chuyển sang kinh doanh.

Hình ảnh một “working women” tay nâng ly vang trong bữa ăn với đối tác đang dần trở nên quen thuộc. Khoá học còn có hai phụ nữ người Úc học cách thưởng thức và đánh giá rượu vang như một nhu cầu tự nhiên, bởi đất nước của họ đang nổi lên như một cường quốc rượu vang và sản phẩm nông nghiệp này đã trở thành một phần văn hoá của họ.

Vang không còn là “chuyện” của quý ông

Đầu tháng 4.2008, trong chuyến tham quan các lò rượu vang ở vùng Friuli-Venezia-Giulia thuộc miền đông bắc nước Ý, tôi chợt giật mình khi nhận ra có tới năm thành viên là nữ trong danh sách đoàn 11 người, chưa kể người phụ trách hướng dẫn cũng là nữ, dù ban tổ chức cuộc thi rượu vang quốc tế Vinitaly 2008 không có ý định cân bằng giới tính khi lên danh sách đoàn.

Rebecca Leung đến từ Hong Kong. Cô gái có giọng nói được khen rất chuẩn Ăng lê này hiện là giám đốc điều hành của IWC (International Wine Centre). Ngoài công việc điều hành ở IWC, Rebecca còn là cộng tác viên chuyên mục rượu vang trên các ấn phẩm như Decanter (ấn bản tiếng Hoa), Sing Tao Daily. Trong khi đó, Daenna Van Mulligen là một sommelier (chuyên gia chọn vang) của trang web winediva ở Vancouver (Canada), trong đó cô đảm nhận chuyên mục winescores với những bài viết sâu về rượu vang và cho điểm sản phẩm. Sau năm ngày cùng với khoảng 100 thành viên ban giám khảo Vinitaly chấm điểm cho hơn 3.900 sản phẩm vang các loại dự thi, Daenna nói vui rằng cô có nhu cầu... “làm trắng răng”.

Đến cùng xứ sở của vang lạnh (được gọi là ice wine vì nho thu hoạch để ngoài trời tuyết giá) còn có bà Sheila Swerling -Puritt, chủ tịch câu lạc bộ Những người viết về rượu vang của Canada. Trong thời gian chấm thi ở Vinitaly 2008, bà Sheila nhiều lần khẳng định có sản phẩm Canada (nguyên tắc sản phẩm dự thi được giấu tên và xuất xứ). Và bà đã đúng khi trong nhóm sản phẩm đoạt giải có dòng vang ngọt Canada (lò Peller Estates Winery). Trong số hai đại diện nữ còn lại đến từ Đông Âu, Loreta Budin là biên tập viên cộng tác với một tạp chí online về rượu vang của Rumani (vinul.ro). Cô sử dụng thành thạo cả hai thứ tiếng Anh và Pháp và điều quan trọng là không hề tỏ dấu hiệu mệt mỏi khi thử vang.

Cuộc cách mạng rượu vang sẽ đến từ nữ giới?

Tại buổi toạ đàm “Nữ doanh nhân và chuyện giải trí” do báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần tổ chức, các diễn giả khách mời là những doanh nhân thành đạt nói về thú vui sưu tập, chơi thể thao, du lịch, xem phim, chăm sóc tổ ấm, nấu ăn cho gia đình... Rất tiếc là không (đọc) thấy ai nhắc đến chuyện khám phá ẩm thực như một thú vui. Phải chăng, thiên chức nội trợ làm họ ngần ngại nói đến chuyện hưởng thụ ẩm thực ở vị trí người được phục vụ (và tất nhiên là không nhắc đến rượu vang dù có thích)?

Trong thực tế, cũng không quá khó để tìm ra những phụ nữ thích thưởng thức vang. Cúc là một trong số đó. Cô chủ quán cà phê Press Corner kể: “Em thường đi ăn ở nhà hàng với bạn bè và gọi vang uống, chủ yếu để nói chuyện hàng giờ vui vẻ”. Cúc cho biết thêm gia đình cô không có truyền thống uống vang. “Mỗi khi tổ chức tiệc tại nhà, mọi người dùng rượu mạnh. Ba em quen uống cognac, trong khi em và đứa em gái chỉ thích vang. Em nghĩ uống vài ly vang tốt cho sức khoẻ, nhưng em biết không dễ thuyết phục người thân thay đổi sở thích”.

Khi du học ở Singapore, Cúc có dịp làm quen với rượu vang. “Ở nhà hàng, bao giờ người ta cũng để sẵn ly uống vang trên bàn. Dùng rượu mạnh thì thường là ở quầy bar, nhưng đã ngồi vào bàn ăn thì phải uống vang”, Cúc giải thích. Mỗi khi được bạn bè mời đi nhà hàng, cô đều tận dụng triệt để nguyên tắc Lady first mà theo cô là “phải có uống vang”.

Đã có chuyên gia cho rằng cuộc cách mạng rượu vang sắp tới sẽ bắt đầu từ phụ nữ. Nhận định có phần “nịnh đầm” này xuất phát từ một thực tế: phụ nữ đến với rượu vang ngày càng nhiều hơn. Trong một xã hội tiêu dùng đề cao hình ảnh thanh thoát của một cơ thể trẻ trung, phụ nữ có ưu thế hơn nam giới.

Ở Pháp những năm 1970, khi người phụ nữ dần dần lấy lại vị trí của mình nhờ quan hệ xã hội ngày càng bình đẳng, họ uống vang ở nơi công cộng và tập thói quen thưởng thức vang. Cũng dễ thấy rằng đó là tuýp phụ nữ năng động sống ở đô thị, có quan hệ giao tiếp rộng rãi.

 

Riêng ở châu Á, có lẽ phụ nữ Nhật đi trước một bước khi họ giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn hoá rượu vang. Đất nước mặt trời mọc có nhiều câu lạc bộ thử vang dành cho nữ. Cô Kumiko Yamada, chủ tịch hiệp hội Các sommelier của Nhật khẳng định với tôi điều này tại Vinitaly 2008. Một chai vang hảo hạng (Grand Cru) ở Nhật là một món quà rất tinh tế, uống theo đúng cách thức phục vụ, với nhiệt độ thích hợp và phải rót ra trong những cái ly chất lượng cao. Các wine bar ở Tokyo ngày càng có nhiều khách hàng nữ tìm đến, như để chứng minh với nam giới rằng họ cũng có một không gian (rượu vang) riêng với đặc điểm văn hoá khác biệt.

 

Rượu vang còn được ví như món quà của thượng đế. Vì vậy, sẽ công bằng hơn khi phụ nữ cũng có phần.

Bài viết liên quan

  • Sản phẩm chất lượng Mẫu mã đa dạng

  • Giao hàng tận nơi Thu tiền tận nhà

  • Thanh toán linh hoạt Thanh toán sau (COD)

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay mua hàng
Để lại lời nhắn cho chúng tôi